3 phương án đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam

Chính phủ và Bộ GTVT nghiêng về việc đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam bằng nguồn vốn công, vừa đảm bảo tính khả thi vừa đảm bảo tiến độ Quốc hội đưa ra. 

Dự án cao tốc Bắc – Nam

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Tờ trình 256 của Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội 3 phương án chuyển đổi hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên như sau:

Phương án 1

Phương án 1

(Chính phủ đã trình Quốc hội tại Tờ trình 211 ngày 14/5/2020): Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội; chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công toàn bộ 8 dự án thành phần khác.

Theo phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí tại Nghị quyết số 52/2017 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung khoảng 44.493 tỷ đồng (Chính phủ kiến nghị bổ sung trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025).

Phương án 2

Tổng quan dự án

Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội; chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 5 dự án, gồm 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn – QL45 dài 63km, QL45 – Nghi Sơn dài 43km, Nghi Sơn – Diễn Châu dài 50km và Phan Thiết – Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển  là đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Ba dự án thành phần còn lại có nhiều nhà đầu tư qua sơ tuyển (Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Theo phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước khoảng 88.056 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 33.056 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng.

Phương án 3

Phương án 3

Tiếp tục đầu tư 3 dự án thành phần đầu tư công theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội; chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án thành phần, gồm 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn – QL45 dài 63km và Phan Thiết – Dầu Giây dài 99km) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển là đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Với 5 dự án thành phần còn lại (QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo) tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP.

Theo phương án này, tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng; trong đó: Vốn vốn ngân sách Nhà nước khoảng 78.461 tỷ đồng (đã bố trí 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.

Ưu – nhược điểm trong từng phương án cao tốc Bắc – Nam

Theo phân tích, cả 3 phương án được Chính phủ đưa ra đều có những ưu, nhược điểm riêng.

Cụ thể, phương án 1 có ưu điểm sẽ đảm bảo các dự án cao tốc Bắc – Nam triển khai chắc chắn thành công, hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Ngược lại, Nhà nước phải bổ sung 44.493 tỷ đồng, nhiều hơn so với hai phương án còn lại.

Đối với phương án 2 và phương án 3, dù có ưu điểm cần ít vốn Nhà nước bổ sung hơn nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro, khi nguồn vốn tín dụng ngày càng thắt chặt, nguy cơ một số dự án bị “treo” nếu tiếp tục triển khai và sẽ không đảm bảo hoàn thành theo tiến độ yêu cầu của Quốc hội.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành sơ tuyển đấu thầu đối với 8 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam. Trong đó, có 7 dự án có ít nhất 2 liên danh nhà đầu tư vượt qua  vòng loại sơ tuyển, 1 dự án không có nhà đầu tư tham gia.

Tuy vậy, tại tất cả 7 dự án có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển đều là liên danh giữa các nhà đầu tư.

Cao tốc Bắc – Nam hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, vận tải đường bộ có một bước tiến nhảy vọt trong công cuộc xây dựng đất nước.