Bộ GTVT đề xuất tăng tuổi lái xe bằng E
Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh tăng tối đa tuổi lao động của lái xe chở người trên 30 chỗ ngồi và đang chờ góp ý của người dân, chuyên gia.
Trong dự luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT có quy định điều chỉnh tăng tuổi lao động của lái xe trên 30 chỗ ngồi (bằng E). Theo đó, tài xế lái xe hạng này sẽ được tăng tuổi lao động tối đa lên 62.
Tận dụng lao động có kinh nghiệm
Cụ thể, điểm e khoản 1 Điều 104 của dự luật giao thông đường bộ quy định: Tuổi lao động tối đa của người hành nghề lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi phù hợp với tuổi lao động được quy định trong Bộ luật Lao động.
Nếu chiếu theo quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021), tuổi lao động tối đa của người lái xe trên 30 chỗ đối với nữ là 60 và nam là 62. Trong khi đó, quy định hiện hành tuổi lao động tối đa của lái xe ô tô trên 30 chỗ ngồi là 50 đối với nữ và 55 đối với nam.
Tăng khám định kỳ sức khỏe tài xế
Trong lúc nguồn lao động, nhất là tài xế hạng E đang thiếu hụt thì việc tăng độ tuổi tối đa là đề xuất dễ hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là quy định mới nên cần phải có lộ trình, tức phải thí điểm trong vòng 1-2 năm, sau đó mới áp dụng trên diện rộng.
Cạnh đó, các văn bản dưới luật cần phải quy định hết sức chặt chẽ quy định khám sức khỏe đối với độ tuổi này. Bộ GTVT và Bộ Y tế cần nghiên cứu, bổ sung vào thông tư hướng dẫn các điều kiện khám sức khỏe tài xế theo định kỳ trong năm. Có thể khám ba tháng/lần, để đảm bảo duy trì nguồn lao động có chất lượng. Tóm lại việc tăng cường kiểm tra sức khỏe là hết sức quan trọng…
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý chặt việc cấp giấy khám sức khỏe cho tài xế. Phải ngăn chặn, xử nghiêm tình trạng cán bộ làm sai lệch hồ sơ…
Các công ty vận tải phải có chế độ khám sức khỏe định kỳ cho các bác tài để đảm bảo sức khỏe trong thời gian lái xe nhằm đảm bảo an toàn cho bác tài nói riêng và hành khách nói chung.
Bình luận