Từ 1/8/2022, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương sẽ phải triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả tuyến cao tốc.
Theo Thông báo số 186/TB-VPCP ngày 27/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, từ 1/8/2022, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương sẽ phải triển khai thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả tuyến cao tốc.
Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng là hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động, phương tiện giao thông đường bộ không cần phải dừng lại để trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi tới trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Quá trình tính toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ được thực hiện tự động bởi hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Không dán thẻ ETC bị xử phạt thế nào?
Hiện nay, điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, quy định phạt tiền 1.000.000 – 2.000.000 đồng với lái xe ô tô điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí. Đó là các xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc có gắn thẻ đầu cuối nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi đi qua làn thu phí điện tử tự động không dừng.
Như vậy, từ 1/8, nếu muốn lưu thông trên các tuyến cao tốc thu phí tự động, các phương tiện sẽ phải thực hiện việc gắn thẻ đầu cuối hay – tức dán thẻ thu phí tự động ETC. Hiện, các chủ phương tiện có thể đăng ký dịch vụ dán thẻ ETC tại nhà đối với thẻ ePass của Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) hoặc thẻ e-Tag của Công ty TNHH thu phí tự động VETC.
Theo khoản 2, điều 9, quyết định 19/2020/QĐ-TTg, các phương tiện có thể thực hiện việc gắn thẻ thu phí không dừng tại:
1. Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại lần kiểm định gần nhất
2. Các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền
3. Ngay khi qua trạm thu phí ETC
Dán thẻ thu phí không dừng cần mang theo giấy tờ gì?
Khi đi đăng ký dán thẻ mở tài khoản, khách hàng lưu ý mang theo những giấy tờ sau:
Đối với khách hàng cá nhân cần mang theo chứng minh thư/Thẻ căn cước/Hộ chiếu/Giấy phép lái xe (Hạng B1 trở lên và đăng ký xe, đăng kiểm xe, giấy đề nghị mở tài khoản.
Đối với khách hàng doanh nghiệp cần mang theo: Giấy đăng ký kinh doanh (bản gốc hoặc bản photo công chứng), giấy đề nghị mở tài khoản, đăng ký xe, đăng kiểm xe;
Khách hàng là tổ chức hoặc các Cơ quan/đơn vị hành chính sự nghiệp cần có: Công văn đề nghị mở tài khoản (có dấu đỏ), giấy đề nghị mở tài khoản và đăng ký xe, đăng kiểm xe;
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp nếu đăng ký dán thẻ cho nhiều xe thì phải có danh sách số lượng xe đề nghị dán thẻ ETC (bản gốc và có xác nhận của doanh nghiệp/tổ chức).
Giấy tờ của khách hàng phải rõ thông tin (họ tên, ngày/tháng/năm sinh, địa chỉ… ) không bị nhàu nát và có hiệu lực.
Đối với giấy tờ xe đề nghị dán thẻ: Trường hợp không có đăng ký gốc, chấp nhận bản sao công chứng hoặc có dấu đỏ xác nhận thế chấp của ngân hàng.
Đối với xe loại 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) yêu cầu cung cấp đăng ký hoặc đăng kiểm xe: bản gốc hoặc bản photo công chứng, chấp nhận giấy thế chấp ngân hàng có đầy đủ thông tin biển số xe, số khung, số máy.
Đối với các loại xe trên 12 chỗ ngồi (xe chở người), xe có trọng tải lớn hơn 2 tấn (xe chở hàng) và xe chuyên dụng, yêu cầu: bản gốc đăng kiểm xe và đăng ký xe bản gốc hoặc bản photo công chứng, bản xác nhận thế chấp ngân hàng . Trong đó có đầy đủ thông tin bao gồm: Biển số xe, số khung, số máy, trọng tải, số chỗ ngồi chứng minh được loại phí xe.