Friday, April 19, 2024
Home Tin tức Logistics Đã có giải pháp sớm di dời ga Đà Nẵng

Đã có giải pháp sớm di dời ga Đà Nẵng

Theo phương án cũ phải tới năm 2035 mới di dời ga Đà Nẵng. Tuy nhiên, với giải pháp mới vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đề xuất lên lãnh đạo TP, dự án trọng điểm này có thể được triển khai sớm trong thời gian tới.

Không thể chờ sau năm 2035

Nghị quyết số 33 trước đây và Nghị quyết số 43 hiện nay, Bộ Chính trị đều đề cập tới Dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái thiết đô thị, coi đây là công trình trọng điểm, mang tính động lực phát triển vùng. Việc di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm TP đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương tại Thông báo 363 năm 2016 với nội dung: “Đồng ý triển khai Dự án theo hình thức PPP; ga đường sắt mới phải đảm bảo đáp ứng Quy hoạch phát triển thành phố lâu dài, nhà ga văn minh, hiện đại…”.  Năm 2018, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng cũng đã ra Nghị quyết, trong đó dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị thuộc danh mục các dự án trọng điểm, mang tính động lực cần tập trung triển khai trong giai đoạn 2016-2020.  

Trong thời gian qua, Đà Nẵng thường xuyên làm việc với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Đầu năm 2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ liên quan thống nhất nguồn vốn để thực hiện dự án theo hình thức PPP. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Đà Nẵng nghiên cứu hoàn chỉnh phương án đầu tư, thống nhất về nguồn vốn để thực hiện dự án. Tuy vậy, đầu tháng 3-2018, sau khi làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo các dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam trình Chính phủ, Quốc hội năm 2019. Vì vậy, để tránh lãng phí nguồn lực, Bộ giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Ban QLDA đường sắt nghiên cứu, cập nhật việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng vào tổng thể của dự án đường sắt Bắc- Nam. Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khải thi, do nguồn kinh phí hạn chế đoạn tuyến đường sắt khu vực miền Trung (Vinh đến Nha Trang) sẽ thực hiện sau (dự kiến 2035 mới chuẩn bị đầu tư).

Di dời ga đường sắt ra khỏi trung tâm TP đang trở nên bức thiết với Đà Nẵng hiện nay. Ga đường sắt đã được xây dựng hơn 100 năm, hiện đã lọt thỏm giữa lòng đô thị với hàng loạt điểm giao cắt với đường bộ trong nội ô, đặt áp lực lớn về tai nạn giao thông, môi trường, trật tự đô thị. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc tồn tại tuyến đường sắt cắt nội đô và ga đường sắt giữa trung tâm TP đang là nút thắt, cản trở quá trình phát triển của Đà Nẵng, cần di dời càng sớm càng tốt. Sau nhiều năm, dự án di dời ga đường sắt chưa thể thực hiện vì thiếu vốn. Bây giờ, việc di dời ga lại phải chờ tới năm 2035, trong khi yêu cầu đã bức thiết, đang là nút thắt phải gỡ sớm, thời gian chờ đợi hơn 15 năm có thể đánh mất nhiều cơ hội, điều kiện phát triển của Đà Nẵng. Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là một trong những trung tâm kinh tế xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung- Tây Nguyên. Để đồng bộ hạ tầng, phát triển đô thị bền vững theo tinh thần Nghị quyết 43, Đà Nẵng cần tìm giải pháp sớm triển khai dự án di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị, không thể chờ đợi tới sau năm 2035.

Hướng mở đầy khả thi

Để có nguồn vốn triển khai dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư  đã chủ trì họp với các sở ngành Đà Nẵng, thống nhất đề xuất lãnh đạo TP thực hiện theo hình thức BT. Mục tiêu chung của dự án là giúp TP phát triển đô thị một cách hiệu quả và bền vững thông qua việc di dời ga đường sắt và các công trình liên quan ra khỏi trung tâm. Việc di dời ga sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện đi lại của người dân, rút ngắn hành trình, thời gian tàu chạy Bắc-Nam…

Ông Trần Phước Sơn- Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, tiểu dự án 1 di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị  có tổng kinh phí tạm tính hơn 10,2 ngàn tỷ đồng. Tiểu dự án này được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của TP (theo Nghị định 69/NĐ-CP). Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của TP. Tiểu dự án 1 có 3 hợp phần. Cụ thể, hợp phần di dời nhà ga, tuyến đường sắt quốc gia ra khỏi trung tâm TP (về phía Tây) gồm xây dựng tuyến đường sắt mới khổ 1.000mm dài khoảng 29km; xây dựng các công trình vượt sông, đường bộ, đường sắt; xây dựng 1 nhà ga hành khách chính và các ga hàng hóa, kinh phí hợp phần này khoảng 5.350 tỷ đồng. Hợp phần phát triển đô thị khu vực nhà ga cũ và xung quanh nhà ga mới với tổng kinh phí khoảng 830 tỷ đồng.

Cụ thể, sau khi di dời ra vị trí mới phía Tây Bắc Đà Nẵng thì nhà ga hiện trạng sẽ được quy hoạch theo hướng tích hợp, tăng cường tiện ích đô thị cho khu trung tâm TP. Nhà ga mới sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị xung quanh theo hướng tích hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cao tốc, cảng biển, đặc biệt là kết nối với trung tâm TP bằng phương thức vận tải công cộng. Hợp phần tái phát triển đô thị hành lang tuyến đường sắt hiện trạng với tổng kinh phí khoảng 2.350 tỷ đồng. Hiện nay tuyến đường sắt Bắc- Nam qua TP Đà Nẵng dài khoảng 40,3km, khổ 1.000mm, hai bên tuyến là các khu dân cư thu nhập thấp, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường không đảm bảo… Do đó, sau khi di dời tuyến đường sắt về phía Tây, sẽ tận dụng lại hành lang đường sắt cũ tái phát triển thành các trục giao thông chính theo hướng Bắc-Nam và trung tâm TP đến khu vực Tây Bắc. Cụ thể, xây dựng trục giao thông chính (đại lộ) với mặt cắt ngang dự kiến 33m (gồm 6 làn xe) để kết nối các khu vực đồng tài là tuyến vận tải công cộng trong tương lai. Tái phát triển đô thị 2 bên hành lang tuyến đảm bảo mỹ quan, hiện đại. Trong hợp phần này cũng sẽ đầu tư xây dựng các khu tái định cư để phục vụ cho nhu cầu tái định cư khi mở rộng hành lang đường sắt, giải tỏa khu vực làm nhà ga mới.

Tiểu dự án 2 là đền bù giải tỏa phục vụ dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị. Trong tiểu dự án này sẽ đền bù giải tỏa và tái định cư tại các khu vực nhà ga cũ, nhà ga mới và hành lang tuyến đường sắt hiện tại. Tổng kinh phí tạm tính khoảng 2.400 tỷ đồng từ ngân sách.

Hiện nay dự án đang được trình TP xem xét. Sau khi có chủ trương thống nhất của Thành ủy, đơn vị tư vấn sẽ nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện hồ sơ và trình phê duyệt theo qui định.

Bình luận

Most Popular

Vì sao Viconship “chốt” mua cảng Nam Hải Đình Vũ?

Việc ký kết hợp đồng chính thức được thực hiện trong tháng 4 này. Toàn bộ quá trình bàn giao dự kiến...

Khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giữa năm 2023

Sở GTVT tỉnh An Giang đã hoàn tất các thủ tục chuyển Bộ GT Vận Tải thẩm định thiết kế xây...

Tiếp tục đề xuất lùi thời điểm áp dụng ca bin điện tử trong đào tạo giấy phép lái xe

Cục Đường bộ Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lùi thời điểm bắt buộc các...

Dự kiến chi phí hơn 3.900 tỷ đồng triển khai dự án đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang, Bạc Liêu

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu...

Recent Comments