Giao Thông Vận Tải Trong Thời Đại Kỹ Thuật Số
Trong mọi thời kỳ, thách thức đối với ngành giao thông vận tải chưa bao giờ nhỏ, bởi đây luôn là lĩnh vực phải đi tiên phong trong sự phát triển của xã hội, dẫn dắt sự phát triển của nhiều ngành khác. Cả thế kỷ 20, thế giới chứng kiến sự chuyển mình vĩ đại của lĩnh vực này, cả về lượng và chất. Những phương thức vận tải mới ra đời, thay đổi hoàn toàn cách thức con người đi lại. Trong khi mạng lưới cơ sở hạ tầng bành trướng theo cách con người chưa bao giờ chứng kiến trong lịch sử.
(Ảnh minh họa)
Vào những năm 90 thế kỷ trước, lĩnh vực giao thông có sự chững lại về công nghệ, khi một loạt phương thức vận tải dường như đã tới giới hạn công nghệ của mình. Xe hơi vẫn là loại phương tiện 4 bánh 1 động cơ, không khác nhiều với hồi đầu thế kỷ. Máy bay đã tạm chấm dứt cuộc đua về kích thước và tải trọng, chuyển dần sang hướng tiết kiệm nhiên liệu. Đường sắt cũng chững lại sau những tiến bộ về tốc độ, do chi phí quá cao. Cũng như nền kinh tế toàn cầu, lĩnh vực giao thông cần một cú hích để bước sang một giai đoạn phát triển mới. Và cú hích ấy đã xuất hiện trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ, đưa cả thế giới sang thời đại mới, thời đại kỹ thuật số.
Thời đại mới, nhưng những thách thức truyền thống vẫn còn đó. Về cơ bản những vấn đề như nạn ách tắc, ô nhiễm môi trường, chi phí đầu tư lớn…vẫn là những bài toán phải giải trong thế kỷ mới. Những đổi mới đáng kinh ngạc trong lĩnh vực giao thông vận tải đang làm suy giảm vị thế của ô tô – biểu tượng của sự tự do & tính cơ động – và khiến chúng trở thành nạn nhân của chính sự thành công do chúng tạo dựng. Trên khắp thế giới, sự ách tắc giao thông và thiệt hại kinh tế do xe hơi gây ra không chỉ áp đặt lên người tham gia giao thông mà còn lên toàn thể xã hội.
Quốc gia | 2013 | 2030 | 2013-30 % thay đổi | Giai đoạn 2013-30 |
Anh | 20.5 | 33.4 | 63 | 480 |
Mỹ | 124.2 | 186.2 | 50 | 2800 |
Pháp | 22.5 | 29.6 | 31 | 469 |
Đức | 33.4 | 43.8 | 31 | 691 |
Thiệt hại kinh tế do nạn ách tắc giao thông ở một số quốc gia, đơn vị tính: tỷ USD
Ách tắc giao thông tiêu tốn các nước EU tới 2% tổng GDP hàng năm của khối này, tương tự với Nhật Bản, Australia. Hàn Quốc thậm chí còn thiệt hại tới 4%. Tại Việt Nam, ách tắc giao thông gây thiệt hại 30.000 tỷ đồng hàng năm (riêng tại Hà Nội & tp.Hồ Chí Minh là 18000 tỷ đồng), chiếm 1% GDP cả nước.
Và mặc dù đã có những tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng bền vững, nhưng việc áp dụng vào đời sống vẫn còn rất chậm chạp, chưa tương xứng với mong đợi, nhất là trong lĩnh vực giao thông. 95% năng lượng sử dụng trong ngành này vẫn là nhiên liệu xăng dầu, tác nhân thải khí CO2 lớn nhất thế giới. Là ngành tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu thế giới (1/4 lượng tiêu thụ toàn cầu), do đó mọi thay đổi trong trong việc sử dụng nhiên liệu của giao thông vận tải sẽ tác động mạnh mẽ lên môi trường toàn cầu.
- Hình bên: Tác động của ngành giao thông vào lượng khí thải toàn cầu năm 2007 theo %– Nguồn: ipcc.ch – Đồ họa: nhatmarc
Ở châu Âu, ngành giao thông vận tải gây ra 1/4 lượng khí thải vào năm 2011 (Theo số liệu của Ủy ban Môi trường châu Âu). Tại Việt Nam, giao thông vận tải ngốn 1/5 lượng nhiên liệu tiêu thụ trên toàn quốc mỗi năm.
Những xu hướng được thừa nhận như phát triển giao thông công cộng, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường…vẫn đang được nhân rộng nhưng với tốc độ không đều. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ thông tin lại bước những bước đi dài, thay đổi lối sống của con người, một cách tự nhiên nó kéo theo các lĩnh vực khác vào cuộc, nếu không muốn bị bỏ lại bên lề thời đại.
Vấn đề muôn thuở mà các nhà quy hoạch giao thông phải đối mặt đó là việc tăng thêm cơ sở hạ tầng giao thông luôn là một quy trình chậm chạp và tốn kém. Những vấn đề kéo theo về môi trường, bồi thường đất đai, dịch chuyển dân cư…có thể kéo dài cả chục năm. Sự phát triển đó về cơ bản là theo bề ngang. Và trong thời đại mới, khi mà quá trình đô thị hóa mạnh mẽ sẽ khiến 60% dân số thế giới sống trong đô thị vào năm 2030 (số liệu Liên Hợp Quốc), người ta nghĩ đến những hướng phát triển theo chiều sâu để khắc phục vấn đề, dựa trên những tiến bộ về công nghệ của thời đại này.
Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin dãn đến những mạng lưới cơ sở hạ tầng của lĩnh vực này liên tục mở rộng ra. Và không có gì ngạc nhiên, chúng mở rộng và bám theo mạng lưới giao thông có sẵn, bởi đó là mạng lưới rõ ràng nhất để tiếp cận tới các nhu cầu xã hội.
(Ảnh minh họa – Nguồn: 4ever.eu)
Xã hội giờ đây kết nối bằng công nghệ thông tin mật thiết một cách sâu đậm. Mọi lĩnh vực đều muốn tham gia vào mạng lưới kết nối mà công nghệ thông tin mang lại, mọi lĩnh vực đều nhìn thấy tiềm năng phát triển trong đó. Khả năng của các thiết bị di động ngày một mở rộng và xu hướng all-in-one vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Người ta vẫn muốn lèn chặt vào một chiếc điện thoại những tính năng mới, có thể làm mọi thứ trong đời sống hàng ngày. Sự phát triển của những kho ứng dụng như App Store hay Google Play đem đến những tính năng mới cho chiếc điện thoại hay các thiết bị di động từng ngày một. Lĩnh vực giao thông không thể nào đứng ngoài cuộc, bởi những thay đổi lớn nhất của lĩnh vực này trong quá khứ là do tiến bộ công nghệ đem lại, khi con người chuyển từ đi bộ và sử dụng động vật sang các phương tiện cơ giới, khi sức người được thay thế bởi máy móc, khi con người có thể bay và giới hạn về cự li đã bị đạp đổ.
Những đặc điểm của hệ thống giao thông kỹ thuật số
Với tốc độ của sự đổi mới và sự phức tạp của hệ thống giao thông, sẽ rất khó để dự đoán nhanh và chính xác các hệ thống này sẽ trông như thế nào trong những năm tới. Nhưng một số chủ đề quan trọng hiện đang nổi lên, và khi suy luận từ những phát triển hiện tại, ta có thể dự đoán được một số khía cạnh. Để tận dụng lợi thế của các công nghệ mới nổi, cần có những thay đổi xã hội rộng lớn hơn và các mô hình kinh doanh mới. Một hệ thống giao thông đô thị trong thời đại số được hình dung có thể có những đặc điểm chính như sau:
Những đặc điểm chính của hệ thống giao thông thời đại kỹ thuật số – Đồ họa: nhatmarc
Mạng lưới rộng lớn:
Thông tin là một phần trong cơ sở hạ tầng căn bản của giao thông vận tải như đường bộ và đường sắt. Người tham gia giao thông ngày nay có nhu cầu biết về: vị trí (nơi hiện tại & nơi đến), hành trình, độ dài hành trình, lựa chọn phương tiện, các thông tin cập nhật về tình hình giao thông hiện tại giúp họ có những lựa chọn tối ưu về hành trình. Cách đây vài năm những thiết bị định vị GPS là một lựa chọn phổ biến cho những người dùng xe hơi, nhưng hiện tại, smartphone đã khai tử những thiết bị như vậy. Có cả trăm app định vị & chỉ dẫn giao thông trên những kho ứng dụng của Apple hay Google, và quan trọng là, chúng hầu như miễn phí. Nhu cầu về những thông tin như vậy ở Việt Nam có thể thấy qua kênh VOV giao thông Hà Nội của Đài Tiếng nói Việt Nam, được xem là kênh phát thanh giao thông đầu tiên và duy nhất trong nước, có tính tương tác cao khi chia sẻ thông tin về giao thông theo thời gian thực giữa người tham gia và nhà đài. Là kênh phát thanh nên kênh thông tin này được giới tài xế đánh giá rất cao & có lượng khán giả rất ổn định.
Giá trị thực sự của những tiến bộ công nghệ không nằm quá nhiều ở mặt công nghệ, mà là ở việc chúng được kết nối ra sao. Giá trị của thiết bị tăng theo cấp số nhân khi chúng có thể giao tiếp với các thiết bị và hệ thống khác. Như những chuyên gia của Cisco chỉ ra: Một chiếc xe hơi có công nghệ cảm nhận được chướng ngại vật trên đường chưa đủ tốt, nó phải biết báo cho cho tài xế hay hệ thống phanh hay hệ thống bẻ lái hoạt động, nó phải biết báo cho các xe khác xung quanh cảnh giác hay nhà chức tránh khi có sự cố. Đó mới là mục tiêu của công nghệ giao thông trong thời đại mới. Kết nối mọi thứ, kết nối mọi nơi.
Các ứng dụng bản đồ & định vị giao thông nở rộ trên thiết bị di động – Nguồn: gizmodo.com
Việc kết nối thông tin về tình hình hiện trạng của các phương tiện với nhau còn dẫn đến những kết quả khác. Nếu các xe được tích hợp vào một mạng lưới và chia sẻ thông tin như về tốc độ và khoảng cách với các xe xung quanh chẳng hạn, một hệ thống máy tính có thể tính toán và đưa ra tốc độ phù hợp cho từng xe để điều chỉnh nhằm ngăn ngừa kẹt xe xảy ra. Đó chính xác là những gì mà những hãng xe hơi như Ford đang nghiên cứu, và họ cho biết công nghệ trên (mà họ gọi là AAC – adaptive cruise control – công nghệ điều khiển hành trình thích ứng) nếu áp dụng cho 20% xe trên đường cao tốc sẽ giảm kẹt xe 1 cách hiệu quả, thông qua một thí nghiệm mô phỏng. Mà chưa cần đến những công nghệ tối tân như vậy, ta có thể thấy, chỉ một kênh thông tin như VOV giao thông ở Việt Nam đã giúp bao tài xế lựa chọn được một lối đi khác thay vì lao vào một đám tắc đường hỗn loạn ở Hà Nội.
Theo Thilo Koslowski, người đứng đầu bộ phận thực nghiệm xe hơi tại Tập đoàn Gartner, “Tương tự như cách điện thoại đã phát triển thành điện thoại thông minh, trong 10 năm tới xe hơi sẽ nhanh chóng trở thành loại phương tiện “kết nối” mà ta có thể truy cập, sử dụng và chia sẻ thông tin với người điều khiển, hành khách, cơ sở hạ tầng công cộng, và các loại máy móc bao gồm cả các xe khác.”
Và nói đến kết nối thông tin ta lại phải nói đến mạng xã hội. Đúng, ta không thể né tránh nó được. Mạng xã hội một cách tự nhiên đã tham gia vào kết nối con người và phương tiện khi tham gia giao thông. Chúng ta đều có thể đã vô tình tham gia vào quá trình đó, khi đơn giản chụp một tấm ảnh trên đường đi làm vào buổi sáng và đăng lên Facebook. Một status bạn đăng lên cảnh báo tắc đường rõ ràng là hữu ích, miễn là bạn bè của bạn không đọc nó trên điện thoại trong lúc lái xe.
Việc chia sẻ thông tin địa điểm đã trở nên dễ dàng & quen thuộc – Nguồn: uptodown.com
Việc kết nối thành một mạng lưới rộng lớn đầu tiên đem lại lợi ích cho cá nhân người tham gia giao thông, và rộng ra, nó giúp cả mạng lưới giao thông được vận hành trơn tru hơn, giúp các nhà quản lý có được những quyết sách và điều chỉnh phù hợp. Nó còn giúp thu thập hành vi người dùng, một dạng dữ liệu quan trọng mà giá trị của nó có thể đem lại lợi nhuận chứ không dừng lại ở các nghiên cứu. Như các công ty xe hơi có thể mua thông tin về thói quen di chuyển của người dân để nghiên cứu mẫu xe mới chẳng hạn.
Giá cả linh hoạt:
Một thực trạng của ngành giao thông đang diễn ra trên toàn cầu, đó là mức phí người dân phải trả cho dịch vụ giao thông ít hơn chi phí bỏ ra để cung cấp những dịch vụ đó, và càng ít hơn khi so với thiệt hại kinh tế của nạn tắc đường hay ô nhiễm môi trường. Số liệu của Hoa Kỳ cho thấy, vào năm 2006, mức phí người dân phải trả cho lĩnh vực giao thông, tính cả thuế xăng dầu, chỉ đủ cho 50% chi phí bỏ ra cho đường cao tốc. Người dân thường có xu hướng cho rằng đó là những thứ miễn phí được thụ hưởng, và thường có phản ứng ban đầu tiêu cực khi nhà chức trách có ý định tăng phí. Ở Việt Nam , những điều chỉnh thu phí đường bộ của chính quyền luôn là đề tài nóng với dư luận và khiến chính quyền phải nâng lên đặt xuống nhiều lần mới có được quyết định.
Với sự nổi lên của công nghệ di động, những cơ chế giá mới năng động – điều không tưởng chỉ một thập kỷ trước – sẽ trở nên khả thi. Chính sách giá sẽ có thể dựa trên các thời gian khác nhau trong ngày, dựa trên tình trạng ùn tắc giao thông, hay tốc độ, công suất, thậm chí hiệu suất và mức khí thải. Thông tin về hành trình của bạn được thu thập thông qua phương tiện hoặc thiết bị di động, và căn cứ vào đó nhà chức trách sẽ thu phí của bạn. Công nghệ giúp việc tính toán chính xác & chi li hơn, giúp nhà chức trách quản lí hiệu quả hơn. Dưới góc độ người dùng thì nó giúp họ có được kế hoạch tham gia giao thông phù hợp và kinh tế hơn. Lợi ích là to lớn khủng khiếp và đến từ 2 chiều.
Hình mẫu cơ chế giá linh hoạt áp dụng chi tiết trên từng chặng hành trình – Nguồn: dupress.com
Nếu cơ chế giá linh hoạt cho việc lái xe hiện vẫn ở thì tương lai vì đang hoàn thiện nốt về công nghệ, thì cơ chế giá linh hoạt cho việc đỗ xe đã thực sự hiện hữu. Phí đỗ xe thực sự đã có thể chia ra nhiều mức tùy thuộc vào thời điểm, vị trí, chủng loại xe. Nhiều thành phố ở Bắc Mỹ & châu Âu đã thiết lập mạng lưới đồng hồ tính tiền đỗ xe, cung cấp dịch vụ tìm kiếm & thông báo chỗ đỗ xe cho tài xế. Rõ ràng những cơ chế như vậy giúp nâng cao hiệu quả giao thông và tận dụng tốt không gian đô thị, vốn đã ngày càng chật hẹp.
Việc áp dụng mức giá linh hoạt là một tiến trình sáng sủa bởi không riêng gì ngành giao thông, rất nhiều lĩnh vực có đòi hỏi tương tự. Con người vẫn đang không ngừng nâng cấp các phương thức thanh toán cũng như tìm ra những phương thức thanh toán mới theo hướng tiện lợi hơn và an toàn hơn. Nhưng không phải là không có những trở ngại. Sự nghi ngại với những công nghệ mới trong lĩnh vực này là dễ hiểu bởi nó liên quan đến túi tiền của người dùng. Các nhà phát triển cũng ít khi dám mạnh miệng tuyên bố một phương thức thanh toán là tuyệt đối an toàn và bảo mật. Ngoài ra, với nhiều người dân đã quen chi trả mức phí tương đối thấp cho các dịch vụ giao thông công cộng, khi áp dụng cơ chế giá linh hoạt, với việc phải trả chính xác hơn giá trị dịch vụ mà họ sử dụng, sẽ khó để họ chấp nhận ngay sự thay đổi (khả năng cao la gia tăng) chi phí. Thay đổi thói quen không bao gờ là điều dễ dàng cả.
Đặt người dùng làm trọng tâm:
Có một lý do cơ bản mà xe hơi trên thế giới hay xe máy ở Việt Nam phổ biến: Nó đặt nhu cầu của người sử dụng vào trọng tâm của hành trình. Không cần phải lo lắng về lịch trình lúc nào, về chỗ ngồi có hay không, về thời tiết (vâng, với xe máy thì không), bạn thực sự có thể tới nơi bạn muốn với phương tiện cá nhân. Đó là sự tự do mang tính biểu tượng mà phương tiện cá nhân mang lại. Và với sự tự do đó, người ta sẵn sàng chấp nhận những bất tiện của giao thông, của chỗ đậu xe, và các chi phí cho xăng dầu. Dải lựa chọn của phương tiện cá nhân rõ ràng là rộng hơn, khi mà giao thông công cộng chỉ cho bạn đến đi từ những ga/bến này đến ga/bến khác, tất cả đều cố định và khuôn khổ. Hiểu được bản chất đó là cơ sở cho những nhà thiết kế và quản lý nâng cao chất lượng giao thông công cộng, nếu họ coi đó lối thoát cho những vấn đề giao thông hiện tại.
Sự tự do mà phương tiện cá nhân đem lại luôn rất cuốn hút – Nguồn: edgeshapesindustry.com
Sự phát triển công nghệ trong vài thập kỷ qua cung cấp những triển vọng của một mô hình xoay quanh người sử dụng. Internet đem đến cho cá nhân những sức mạnh không ngờ tới. Người ta có khả năng tự giải quyết được nhiều việc nhờ Internet và các thiết bị di động. Họ còn tự giải trí với chúng. Con người là trung tâm của thế giới, và xoay quanh cái họ muốn là xu hướng của tất cả các lĩnh vực.
Các chuyên gia về giao thông cũng dần nhận ra rằng thay đổi hành vi của người dân có thể không hiệu quả bằng điều chỉnh hệ thống cho phù hợp nhu cầu của họ. Nhà chức trách nên cho người dân nhiều lựa chọn hơn. Chính sách giá cả linh hoạt cũng là một cách khuyến khích người dân thay đổi hành vi của họ, nhưng bằng cách cho họ nhiều giải pháp hơn. Thói quen hay hành vi khi di chuyển của người dân là rất linh động và đa diện, do đó ép họ theo một hướng không phải là xu thế phù hợp trong tương lai, khi mục tiêu là đạt được một hệ thống tối ưu và cân bằng. Nhu cầu của một đứa trẻ với một thanh niên là khác nhau, một ông già với một bà mẹ có con nhỏ là khác nhau, có thể nói giao thông là lĩnh vực có dải phục vụ rộng bậc nhất.
Và trong thời đại mới, cả hệ thống giao thông phải xoay quanh nhu cầu của con người với tất cả tính năng của nó. Sức mạng thông tin của hệ thống là khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn: cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông, truyền thông, và từ từng cá nhân tham gia…Hệ thống tổng hợp chúng và trình bày thông tin cho người sử dụng. Đó còn là một biểu hiện của dân chủ. Người dùng có quyền truy cập tới những thông tin mà hệ thống thu thập được, bởi nó có sự góp sức của chính họ. Mục đích là rõ ràng: dữ liệu giao thông phải được cung cấp ở định dạng mở, cập nhật liên tục và được tự do truy cập.
Tích hợp sâu rộng:
Hãy lấy ví dụ từ Google Maps – một dịch vụ đang cung cấp những gì cơ bản nhất cho nhu cầu giao thông của người dùng, và nhìn vào nền tảng đó bạn có thể hình dung ra kịch bản trong tương lai. Google Maps chỉ cho bạn biết vị trí hiện tại nhờ định vị GPS. Và khi bạn nhập địa chỉ muốn đến, nó sẽ cho bạn biết những cách ngắn nhất để đi đến đó, bằng loại phương tiện gì, chiều dài hành trình với từng loại phương tiện, với thời gian ước tính. Hành trình của bạn có thể kết hợp bởi nhiều phương tiện, và Google Maps hiện tại có thể chỉ chi tiết tới từng bến xe bus. Không khó hình dung trong tương lai gần, dịch vụ này có thể cập nhật tình hình theo thời gian thực (nhờ liên kết với VOV giao thông chẳng hạn) và có thể đưa ra chỉ dẫn cho bạn ngay khi có diễn biễn xảy ra trên hành trình. Với những tiện ích hỗ trợ như trợ lí ảo Google Now, việc đưa ra quyết định trở nên thật dễ dàng. Hệ thống giao thông cần đảm bảo có nhiều phương thức di chuyển, không phải đơn giản là đi từ A đến B bằng một phương tiện, gần như không thể đảm bảo sự thuận tiện đó cho tất cả mọi người, vào mọi thời điểm. Người ta có thể phải sử dụng nhiều hơn 1 hình thức cho một hành trình, ta đang nói đến tích hợp nhều loại hình giao thông vào một hệ thống, và công nghệ có nhiệm vụ giúp cho quá trình sử dụng, chuyển đổi các phương tiện đó diễn ra thật trơn tru, tự nhiên, với mục đích cuối cùng là có một hành trình thuận tiện và an toàn.
Một khía cạnh quan trọng của vấn đề tích hợp đó là hệ thống thanh toán phí. Hệ thống này phải được tích hợp sâu vào hệ thống giao thông, và hướng đến thống nhất một loại hình thanh toán hay ít nhất, càng ít loại hình càng tốt. Bất kể người dùng chọn xe đạp, xe bus, xe điện ngầm…họ đều có thể dùng một thiết bị cho việc thanh toán. Smartphone, thứ vật dụng cá nhân tiêu biểu cho thời đại, được lựa chọn cho vai trò đó. Smartphone được chỉ định như một loại vé điện tử của tương lai. Khi mà những công nghệ như NFC (Near field communication – công nghệ giao tiếp tầm ngắn) trở nên phổ biến, chiếc điện thoại sẽ như một thẻ nhận dạng của cá nhân bạn và giúp bạn nhanh chóng xác nhận cũng như thanh toán khi sử dụng một dịch vụ nào đó, mà các dịch vụ giao thông chỉ là một trong số chúng. Công nghệ vé dạng này đang được một loạt các công ty châu Âu mời chào Việt Nam sử dụng cho các tuyến đường sắt đô thị đang xây dựng. Người dùng sẽ đơn giản là cài phần mềm lên smartphone của họ (áp dụng cho các hệ điều hành của Apple, Google, Microsoft, Blackberry…), đăng ký và khi lên/xuống tàu, đưa smartphone lại gần thiết bị soát vé là xong. Dễ hình dung ra sự thuận tiện sẽ lớn đến nhường nào khi những công nghệ dạng này nhân rộng ra một loạt các hình thức/phương tiện giao thông khác, mặc dù vẫn còn một chặng đường mà các nhà phát triển phải vượt qua, như vấn đề bảo mật chẳng hạn.
Công nghệ vé điện tử giao thức NFC – Nguồn: techspot.com
Về phía các phương tiện giao thông, muốn chúng hoạt động hiệu quả trong hệ thống mới, chúng cũng phải có khả năng tiếp nhận & chia sẻ thông tin, chúng cũng phải là một thiết bị di động. Tiếp nhận thông tin từ hệ thống, cập nhật tình hình, đưa ra lựa chọn cho người dùng và thậm chí, tự quyết định khi cần: đó là vai trò của phương tiện giao thông trong tương lai. Công nghệ đang có xu hướng biến phương tiện cá nhân trong tương lai có tính người hơn, hay khả năng tương tác tốt hơn. Chiếc xe hơi trong tương lai có khả năng nhắc bạn cài dây an toàn, nhắc bạn đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ, tự kiểm tra tình trạng xe và yêu cầu bạn sửa chữa nếu có. Không có gì là khó tưởng tượng bởi thực tế những ý tưởng tham vọng như xe tự lái đã thực sự thành hiện thực và chỉ còn đợi vượt qua các sát hạch thực tế.
Mô hình hợp tác quốc doanh-tư nhân mới:
Những ý tưởng tham vọng, những công nghệ tối tân, đều có giá của nó. Và trong một lĩnh vực đắt đỏ như giao thông, tiền luôn là câu hỏi đau đầu.
Phần lớn các quốc gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông bằng ngân sách quốc gia. Nhưng trong thời đại mới, quan điểm đang nổi lên mạnh mẽ đó là coi hạ tầng giao thông là một loại sản phẩm công cộng cần được chia sẻ bởi người sử dụng. Các loại thuế, phí là một cách để chính phủ có sự chia sẻ từ người dân. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng giao thông tăng cao ở những nước đang phát triển, trong khi chi phí đắt đỏ khiến các quốc gia này luôn đau đầu với bài toán đầu tư. Xu hướng xã hội hóa trong đầu tư xây dựng là xu hướng đang nổi lên mạnh mẽ ở các nước đang phát triển, còn ở các quốc gia phát triển là một hình thức đã đạt mức độ rất đa dạng & hoàn thiện.
Mối quan hệ giữa công-tư (PPP: public-private partnership) là mối quan hệ đặc biệt quan trọng trong thời đại mới, khi mà chính quyền muốn tận dụng sức mạnh sáng tạo hết sức mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân. Trong một hệ thống giao thông của tương lai, với mục đích phục vụ cho nhiều người, hẳn nhiên sự phức tạp của hệ thống là rất cao. Đó là một hệ sinh thái của của cơ sở hạ tầng, công nghệ, thiết bị… Trong đó cả 2 phía tìm thấy những tiềm năng, lợi ích cho phía mình & cùng công nhận vai trò của nhau. Lợi ích & sự bình đẳng là điều kiện then chốt cho mối quan hệ bền vững và hiệu quả. Nhu cầu có những mô hình hợp tác mới giữa 2 khối quốc doanh – tư nhân sẽ càng cấp thiết, để đạt hiệu quả cao nhất.
(Ảnh minh họa – Nguồn: strategicsociety.org.uk)
Kết luận
Những đặc tính và xu hướng trên là những thứ đã phần nào bắt đầu đi vào hiện thực và có tính thực tế cao. Thực tế các nhà phát triển còn đưa ra nhiều mô hình concept táo bạo hơn nữa, bởi sức mạnh của công nghệ thông tin trong thời đại mới vẫn chưa nhìn thấy giới hạn. 5 đặc tính nói trên được nhiều chuyên gia công nhận và các quốc gia tiên tiến đã có những thử nghiệm mạnh mẽ trong việc hiện thực hóa chúng. Nhưng đây không chỉ là cuộc chơi của nhà giàu. Những quốc gia đang phát triển hoàn toàn có thể tìm thấy cơ hội trong cuộc chơi này. Bởi thời đại mới cũng đem đến khả năng chia sẻ công nghệ mạnh mẽ chưa từng thấy.
Hệ thống giao thông trong thời đại mới sẽ mang đủ những ưu nhược điểm mà cuộc cách mạng công nghệ đem lại. Những tiện tích và sự kết nối vô tận thì đầy cuốn hút, nhưng không thể không coi chừng những kẽ hở bảo mật, sự riêng tư của người dùng hay lớn lao hơn: những nguy cơ với an ninh quốc gia. Tùy vào năng lực của mỗi quốc gia, họ sẽ phải chọn cách bước chân vào kỷ nguyên số ở mức độ nào.
Có thể bạn quan tâm:
Bình luận