Friday, March 29, 2024
Home Tin tức Logistics Bằng lái xe có 12 điểm/năm, người lái xe vi phạm hết...

Bằng lái xe có 12 điểm/năm, người lái xe vi phạm hết điểm phải thi lại

Sau khi được thông qua, quy định bằng lái xe sẽ có 12 điểm/năm, nếu vi phạm bị trừ hết điểm phải thi lại, không vi phạm thì được cộng điểm.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật diễn ra vào trung tuần tháng 8. Trong đó, đáng chú ý là việc thống nhất tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) ra thành hai dự án luật.

Đáng chú ý, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe do Bộ GTVT hay Bộ Công an cấp. Do đó, Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 tới.

Trình hai phương án cấp bằng lái

Trong Nghị quyết số 123 phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8, Chính phủ vừa ban hành có đề cập đến quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính.

Theo đó, đối với Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), luật mới do Bộ Công an soạn, Chính phủ thống nhất cần thiết ban hành luật này cũng như nội dung của dự luật. Đó là tách một phần quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật. Từ đó, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Cụ thể, Chính phủ thống nhất dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau nên trong tờ trình Quốc hội về dự án luật này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX theo hai phương án.

Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phương án 2: Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ GTVT xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

Bằng lái xe có 12 điểm/năm, vi phạm hết điểm phải thi lại

Về những vấn đề khác có ý kiến khác nhau, Chính phủ thống nhất quy định về điểm của giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý hành chính (không phải là một hình thức xử phạt hành chính) theo hướng giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm.

Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc trong 1 năm mà không có vi phạm thì phải được cộng điểm, tức là phải có hình thức cộng lại điểm (hoặc khôi phục điểm) cho giấy phép lái xe hàng năm.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân; dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc. Chính phủ sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan.

Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, về cơ bản, các vấn đề thuộc nội dung của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được quy định theo hướng mang tính nguyên tắc, nhất là về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.

Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa 14 tại Kỳ họp thứ 10.

Quốc hội đủ sáng suốt để quyết định

Sau khi Bộ GTVT trình dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi, Bộ Công an trình dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ thực hiện phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về hai dự luật này. Một trong những vấn đề cần lấy ý kiến là việc xác định cơ quan nào sẽ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX).

Theo Văn phòng Chính phủ, sau khi phát phiếu thăm dò ý kiến, đến ngày 11/8 có 19/26 thành viên Chính phủ cho ý kiến về hai dự luật nêu trên. Trong đó, 11/19 thành viên Chính phủ đồng ý giao Bộ GTVT thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và quy định này được quy định ở Luật GTĐB. Ngược lại, 8/19 thành viên Chính phủ muốn giao công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an, đồng thời quy định này được đưa vào Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về phần mình, Văn phòng Chính phủ cho rằng hiện nay, hoạt động đào tạo lái xe được xã hội hóa và Bộ GTVT được phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác này còn nhiều hạn chế, bất cập, cần sửa đổi về thể chế để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATGTĐB.

Vì vậy, Văn phòng Chính phủ nhận thấy việc quản lý, đào tạo lái xe và việc sát hạch, cấp GPLX có tính liên thông, cần được quản lý chặt chẽ, không nên tách rời giữa đào tạo với sát hạch, cấp GPLX nhằm giám sát chặt chẽ và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, việc đào tạo, sát hạch lái xe nên để Bộ Giao Thông Vận Tải quy định và quản lý về mặt nhà nước như Luật GTĐB hiện hành. “Còn nếu Bộ Công an vẫn quyết tâm đưa nó về Luật Bảo đảm đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để quản lý thì tôi nghĩ nên để Quốc hội quyết định chứ mình góp ý nhiều quá rồi…Quốc hội  đủ sáng suốt để nhìn ra vấn đề”, ông Liên nói./.

Bình luận

Most Popular

Vì sao Viconship “chốt” mua cảng Nam Hải Đình Vũ?

Việc ký kết hợp đồng chính thức được thực hiện trong tháng 4 này. Toàn bộ quá trình bàn giao dự kiến...

Khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giữa năm 2023

Sở GTVT tỉnh An Giang đã hoàn tất các thủ tục chuyển Bộ GT Vận Tải thẩm định thiết kế xây...

Tiếp tục đề xuất lùi thời điểm áp dụng ca bin điện tử trong đào tạo giấy phép lái xe

Cục Đường bộ Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lùi thời điểm bắt buộc các...

Dự kiến chi phí hơn 3.900 tỷ đồng triển khai dự án đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang, Bạc Liêu

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu...

Recent Comments