Bộ GTVT dừng 14 dự án BOT trên đường cũ

Do gặp một số vướng mắc trong việc triển khai, hoạt động các dự án BOT nên Bộ GTVT đã dừng triển khai 14 dự án BOT trên các đường cũ.

Ngày 13/8/2019, theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ, trong báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại Bộ GTVT đã dừng triển khai 14 dự án BOT trên các đường cũ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang điều chỉnh, xử lý bổ sung một số hạng mục địa phương kiến nghị đối với các dự án BOT do UBND các tỉnh, thành phố đang triển khai.

Tuy nhiên, các địa phương có tuyến BOT đi qua liên tục kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc bố trí vốn từ ngân sách để đầu tư các dự án theo hình thức đầu tư công do các tuyến này đã xuống cấp, ảnh hưởng việc lưu thông của người dân.

Dự án BOT giao thông hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập.

Chính phủ nhấn mạnh để xử lý triệt để, dứt điểm các bất cập của các trạm thu phí, Nhà nước cần bố trí nguồn vốn để mua lại các dự án. Nhưng hiện nay rất khó khăn để cân đối đủ nguồn vốn mua lại các trạm BOT.

Thực tế, trong thời gian qua các trạm BOT giao thông trên cả nước đều xảy ra những bất cập, khiến người dân trên địa bàn có BOT đi qua bức xúc.

Bất cập lớn nhất được nhiều chuyên gia nhìn nhận là việc trạm BOT đặt sai vị trí dẫn đến tình trạng “không sử dụng đường BOT cũng phải trả tiền”.

Bên cạnh đó, phí qua trạm BOT cũng không thống nhất khi có trạm thu phí cao hơn so với quy định mà Bộ Tài chính đưa ra. Một số trạm trước đây thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước được tận dụng lại để chuyển sang thu hoàn vốn cho các dự án BOT, vị trí nằm ngoài phạm vi dự án gây bức xúc cho người sử dụng

Đến nay một số dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu do lưu lượng xe qua trạm thấp hơn so với dự báo, do xuất hiện các tuyến đường song hành, đường ngang qua khu vực trạm thu phí dẫn đến xe tránh trạm.

Ngoài ra, việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ, còn tồn tại sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình.

Bộ GTVT cũng thừa nhận hầu hết dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép và việc chỉ định thầu cơ bản tuân thủ đúng pháp luật nhưng việc chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh của dự án.

“Việc công bố danh mục kêu gọi đầu tư, đăng thông tin kết quả lựa chọn nhà đầu tư chưa chặt chẽ; Nhà nước chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, dẫn tới dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu…” – lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận.

Nguồn: Baomoi.com

Có thể bạn quan tâm

Phần mềm quản lý vận tải XLogis

Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Tổng vốn hơn 12.600 tỉ đồng

Trí tuệ nhân tạo sẽ được ứng dụng trong thi sát hạch bằng lái xe