Dự án mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vướng giải tỏa mặt bằng
Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía nam của Hà Nội, có lưu lượng phương tiện lớn hàng ngày nên thường ùn tắc giao thông. Để giải quyết ùn tắc và nâng cao chất lượng mặt đường, Bộ Giao thông đã phê duyệt Dự án cải tạo và mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 29km theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 nâng cấp mặt đường có tổng vốn đầu tư 1.973 tỷ đồng, đã hoàn thành năm 2016.
Giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm mở rộng cao tốc từ 4 lên 6 làn xe, chiều rộng nền đường 33,5m, theo kế hoạch ban đầu sẽ đưa vào khai thác đầu năm 2018.
Tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dự kiến hoàn thành mở rộng đầu năm 2018 nhưng hiện chưa xong giải phóng mặt bằng.
Ngày 13/5, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã đi kiểm tra dự án mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (nhà đầu tư) cho biết, theo kế hoạch, TP Hà Nội cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước 21/9/2016, sau đó, gia hạn đến 31/10/2017. Tuy nhiên do chậm tiến độ giải tỏa, Hà Nội tiếp tục cam kết hoàn thành mặt bằng vào 30/4. Hiện dự án còn hơn 2km mặt bằng trên tuyến chính và 5,3km đường gom chưa được địa phương bàn giao cho các nhà thầu thi công.
Cũng theo ông Khôi, các vị trí còn vướng mặt bằng tương đương 11 điểm hẹp trên tuyến, thuộc địa phận 3 huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên (Hà Nội). Đây là mặt bằng cần phải xử lý nền đất yếu và tường chắn, đường gom, do vậy nếu mặt bằng được bàn giao trước 30/6 thì dự án kết thúc phần xây lắp vào cuối năm 2018.
Dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ mở rộng còn 2km chưa giải phóng mặt bằng
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể đề nghị không để tình trạng chậm trễ tiếp diễn. Ông yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long, nhà đầu tư phối hợp chặt với chính quyền địa phương tập trung giải quyết, xử lý các điểm còn vướng mặt bằng đồng bộ trên cả tuyến chính và đường gom, chi trả một lần cho người dân. Theo ông Nguyễn Sỹ Tuyến, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Tín, phần đất nông nghiệp của huyện nằm trong mặt bằng thi công dự án đã cơ bản được bàn giao hết, chỉ còn phần đất thổ cư, huyện cố gắng bàn giao toàn bộ mặt bằng vào cuối tháng 5.
Lãnh đạo Bộ giao Cục Quản lý chất lượng công trình giám sát chặt chẽ tiến độ thi công các hạng mục của dự án, nhà thầu nào làm không nghiêp túc phải bị phê bình và sẽ loại ra khỏi các dự án sắp tới chuẩn bị đấu thầu.
Có thể bạn quan tâm:
Bình luận