Tại sao cần phát huy vai trò của Diễn đàn logistics quốc gia?

Sau 30 năm đổi mới kinh tế đất nước, ngành dịch vụ logistics của nước ta đã qua giai đoạn đầu của sự phát triển. Hiện nay, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 đến 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thách thức về tự do cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, về ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, nguồn nhân lực và các chính sách quản lý đòi hỏi ngành cần có những chiến lược phát triển hợp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Diễn đàn Logistics thường niên đã được tổ chức 04 lần, (từ tháng 3/2011), là một cơ hội rất tốt cho phía các cơ quan Chính phủ gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp logistics xuất nhập khẩu nói chung. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics phản ánh những vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện, bao gồm cả vấn đề liên quan đến chính sách, sửa đổi văn bản. Năm 2017, diễn đàn dự kiến được tổ chức vào ngày 15/12.

Việc tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Ví dụ, theo thống kê của VCCI, trong vòng một năm kể từ ngày Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đã có hơn 1000 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước và đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%. Các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp tập trung vào các nhóm vấn đề: Về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Về tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Về bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; Về giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đang là một nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả về chính thức và không chính thức. Theo một báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn hai lần so với Singapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần bốn lần so với Singapore và hơn ba lần so với Philippines. Chi phí về logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chẳng hạn: chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Làm thế nào để phát huy vai trò của Diễn đàn Logistics Việt Nam và thiết lập cơ chế phối hợp, đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp dịch vụ logistics là một yêu cầu quan trọng được đặt ra trong bối cảnh cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bên để giải quyết những vấn đề vướng mắc và đạt được các mục tiêu đề ra.
Việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu và cơ hội giao thương, đầu tư trong lĩnh vực logistics cần được thực hiện không chỉ trong khuôn khổ các diễn đàn logistics thường niên mà cần được thực hiện liên tục trong hệ thống thông tin, dữ liệu được chia sẻ một cách an toàn, công khai, minh bạch và hiệu quả trên một cổng thông tin hoặc trang tin điện tử logistics chính thức do một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Kinh nghiệm của các nước có lĩnh vực logistics phát triển:

  • Tại nhiều nước trên thế giới, các diễn đàn quốc gia về logistics được tổ chức thường niên (Hoa Kỳ, Ấn Độ…) hoặc hai mùa trong năm (gọi là các diễn đàn mùa xuân, mùa thu: Vương Quốc Anh). Tất cả các diễn đàn này đều có kênh tương tác trực tuyến (trang tin điện tử/cồng thông tin) để trao đổi thông tin với những người liên quan.
  • Các diễn đàn cũng là nơi trưng cầu ý kiến của các bên liên quan để đưa ra các quyết sách lớn trong lĩnh vực logistics. Ví dụ, tại Pháp, diễn đàn quốc gia về logistics đã được thành lập trong năm 2015 sau một sáng kiến của Quốc hội, và tháng 3-2016 vừa qua, Chính phủ Pháp đã phê chuẩn chiến lược cho ngành logistics đến năm 2025 (France Logistique 2015) tập trung vào sáu lĩnh vực, trong đó có các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu ứng dụng công nghệ, tối ưu hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, thành lập hội đồng giám sát hoạt động logistics.
  • Diễn đàn logistics cần được hiểu rộng hơn nghĩa là một hội thảo tổ chức thường niên với sự tham gia của các bên liên quan, mà cần hiểu như một cơ chế phối hợp, đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics để tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vụ việc cụ thể thông qua diễn đàn trực tuyến và một bộ phận chuyên trách về logistics tại Bộ Công Thương.
  • Các vấn đề tồn tại trong lĩnh vực logistics của Việt nam cần được khắc phục thông qua cơ chế diễn đàn logistics thường niên và trực tuyến dựa trên kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công diễn đàn này.

Do đó, trong thời gian tới cần phát huy vai trò của Diễn đàn logistics quốc gia tại Việt Nam như sau:

  • Mở rộng phạm vi, thu hút sự tham gia của cả các doanh nghiệp dịch vụ logistics và nhà đầu tư quốc tế tại Diễn đàn Logistics Việt Nam thông qua việc đổi mới, nâng cao hiệu quả của diễn đàn và phát huy vai trò lan tỏa của công tác truyền thông về diễn đàn.
  • Thiết lập cơ chế phối hợp, đối thoại thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics để tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vụ việc cụ thể thông qua diễn đàn trực tuyến và một bộ phận chuyên trách về logistics tại Bộ Công Thương
  • Đưa diễn đàn logistics thường niên trở thành nơi trưng cầu ý kiến của các bên liên quan để đưa ra các quyết sách lớn trong lĩnh vực logistics.
  • Tổ chức được các buổi kết nối chuyên sâu theo cụ thể giữa doanh nghiệp-doanh nghiệp, doanh nghiệp với các tác nhân khác trong lĩnh vực logistics (Ví dụ giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp logistics, giữa các doanh nghiệp logistics với nhau để phát triển vận tải đa phương thức, giữa các doanh nghiệp với các nhà đầu tư…).

Có thể bạn quan tâm :