Thị trường logistics xác lập cuộc chơi mới
Covid-19 được coi là chất xúc tác cho sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics.
Chuỗi ngày tổn thất nặng nề
Với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhu cầu nhập nguyên liệu thô từ nước ngoài là rất lớn, đặc biệt từ Trung Quốc. Khi Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp gần như bị đóng băng vì không tìm được nguồn cung. Thế rồi, khi có được nguồn cung nguyên liệu để làm hàng xuất khẩu, thì doanh nghiệp lại bí đầu ra. Khi xử lý được việc phân phối hàng, doanh nghiệp lại mất thời gian với các thủ tục hành chính mới từ các nước nhập khẩu, khiến chất lượng một số sản phẩm bị ảnh hưởng.
Đó là chưa kể, hành vi tiêu dùng của các đối tượng tiêu thụ đang thay đổi nhanh chóng, trong khi nhu cầu thị trường giảm do áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Tất cả những khó khăn đó khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng phải đối mặt với những tổn thất nặng nề về tài chính.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, các doanh nghiệp logistics đang chịu nhiều tác động xấu từ Covid-19, khiến doanh thu giảm 10 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu và hơn 50% doanh nghiệp giảm 10 – 30% số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế.
Ông Phạm Trường Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Express Thành Đạt (chuyên vận chuyển hàng nội địa) cho biết, đối tác của Công ty từ Nhật Bản cũng đang chịu hậu quả nặng nề từ Covid-19. Nhiều nhân viên không còn việc làm do công ty phải đóng cửa, dẫn đến doanh thu giảm tới 50%.
Chính những khó khăn trên, cùng việc muốn hoàn thiện chuỗi cung ứng bán lẻ đã khiến ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho rằng, hiện là thời điểm mua doanh nghiệp rẻ nhất. Ông Tài tiết lộ, Công ty đang muốn mua 20 – 30% cổ phần của một số doanh nghiệp trong lĩnh vực kho bãi hoặc vận tải.
“Doanh nghiệp vận tải nào đang khó khăn mà có được doanh thu vận tải của Thế giới Di động đang luân chuyển hàng hóa cho 3.000 shop chắc chắn sẽ qua được giai đoạn khó khăn này”, ông Tài cho biết. Mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực logistics đã trở thành kênh đầu tư được săn đón sau đại dịch.
Tiềm năng “vàng” giữa đại dịch
Trong quá trình theo dõi sự vận hành của các doanh nghiệp xuất khẩu trên nền tảng Alibaba, ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Công nghệ OSB chia sẻ, trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2020, lượng hàng của doanh nghiệp Việt Nam được các nhà nhập khẩu quốc tế hỏi mua tăng đột biến.
Theo ông Toản, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia cuộc chơi. Các doanh nghiệp xuất khẩu ở Việt Nam luôn phải cạnh tranh rất khốc liệt với doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng với bối cảnh này, khi thị trường Trung Quốc gần như đóng băng, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng tốt cơ hội để tìm kiếm các nhà nhập khẩu mới.
Thời gian qua, do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, nhiều nhà nhập khẩu có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Covid-19 chính là chất xúc tác làm tăng tốc sự chuyển dịch này. Ngoài ra, tâm lý, hành vi người mua hàng cũng đã thay đổi rõ rệt khi phải cách ly tại nhà. Xu hướng mua hàng đang chuyển dần từ trực tiếp sang trực tuyến.
Đó là động lực để doanh nghiệp Việt tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, các ông lớn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee đang chạy đua đốt tiền vào phần mềm công nghệ, kho bãi để đội ngũ giao hàng riêng của họ có thể phục vụ cả khách bên ngoài, cạnh tranh trực tiếp với các công ty logistics truyền thống cả trong và ngoài nước như Viettel Post, VNPost, FedEx, UPS, DHL và cả các siêu ứng dụng như Grab, Go-Viet, Be…
Thị trường logistics đang thu hút trên 4.000 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, với các tên tuổi lớn như DHL, FedEx, Maersk Logistics, APL Logistics, CJ Logistics, KMTC Logistics… Ngành logistics Việt Nam đang trở thành lĩnh vực có đà tăng trưởng nóng, đặc biệt khi Covid-19 bùng phát. Điều này khiến các doanh nghiệp logistics truyền thống phải nhanh chân hơn bao giờ hết.
Theo ông Julien Brun, Quản lý đối tác của Công ty CEL Consulting, đại dịch xảy ra đã thúc đẩy Chính phủ và doanh nghiệp chuyển đổi số với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết.
Bên cạnh việc tiếp cận các thị trường tiềm năng thông qua các hiệp định mới và chủ động nắm bắt xu hướng chuyển dịch của các nhà máy từ Trung Quốc, doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng thích nghi, sáng tạo và chuyển đổi số.
Cuộc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu. Cùng với xu hướng tìm kiếm nguồn cung thay thế từ trong nước và khu vực để giảm sự phụ thuộc, thị trường logistics đang có nhiều thay đổi. Đặc biệt, Mạng lưới Thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network) đang được Mỹ xem xét thiết lập, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ và Việt Nam. Các yêu cầu của thị trường mới này bao gồm chuỗi cung ứng đáng tin cậy, sản phẩm liên tục đổi mới sáng tạo và yêu cầu minh bạch về xuất xứ hàng hóa.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, song ngành logistics vẫn kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 16,56%/năm từ nay đến năm 2022, đạt mức doanh thu 113,32 tỷ USD vào năm 2022.
Tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam những năm gần đây đạt mức tăng trưởng 14 – 16%/năm. Chi phí logistics so với GDP của Việt Nam đang ở mức khá cao so với thế giới, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước.
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam
Ông Phí Anh Tuấn, CEO của PAT Consulting cho rằng, vì tính đa dạng trong các loại hình giao vận như vận tải nội địa, giao nhận quốc tế, quản lý kho hàng… của các công ty logistics, nên các doanh nghiệp cần có lộ trình đồng bộ trước khi lựa chọn các giải pháp tối ưu cho mình. Ông Tuấn cũng cảnh báo, việc tích hợp các hệ thống đơn lẻ, rời rạc sẽ trở thành “cơn ác mộng” về thời gian và tiền bạc với doanh nghiệp logistics.
Các tên tuổi lớn trong ngành đang cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logistics khác nhau, chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. 50 – 60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp.
Theo VLA, khó khăn lớn nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển đổi số là khả năng tài chính. Chẳng hạn, công nghệ Cargowise One (CW1) của Australia với khả năng tích hợp toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp (quản lý quan hệ khách hàng, bán hàng, booking, chứng từ, kế toán…) đang được sử dụng trên thế giới nhờ tính năng tự động hóa và tích hợp cao.
Chi phí sử dụng được tính theo số người sử dụng và giao dịch. Với doanh nghiệp 25 – 50 người, chi phí sử dụng là 50 – 150 triệu đồng/tháng. Người sử dụng phải thanh toán 1 – 1,5 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, phần mềm giao nhận, vận tải, kho bãi đơn lẻ hiện chỉ giải quyết vấn đề số hóa, không giúp chuyển đổi số. Chi phí phần mềm giao nhận thanh toán 1 lần là 100 – 200 triệu đồng, ngoài ra còn phải đóng bảo trì hàng năm. Với chi phí như vậy, không nhiều doanh nghiệp logistics có thể đầu tư đúng mức cho chuyển đổi số.
Điều đó cho thấy, ngoài quyết tâm, chủ động và nỗ lực của của bản thân, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong thực hiện chuyển đổi số.
Theo VLA, trước hết, Nhà nước cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số, nhất là vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số… Nhà nước cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ về vốn vay và lãi vay ưu đãi cho các doanh nghiệp chuyển đổi số và hỗ trợ giải pháp công nghệ số cho các start-up. Trên cơ sở đó, nếu chưa đủ khả năng tài chính, doanh nghiệp logistics có thể mua giải pháp hoặc thuê giải pháp từ các doanh nghiệp cung cấp phần mềm.
Ngoài ra, Chính phủ rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay…, đồng thời rút ngắn thời gian cấp giấy phép chuyên ngành, giảm bớt thời gian thông quan và kiểm hóa tại cảng để nhanh chóng giải phóng hàng, tránh phí lưu kho bãi.
Bình luận