Đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và logistics Việt Nam- Trung Quốc
Chiều 8-5, tại TP Trùng Khánh, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Chính quyền TP Trùng Khánh phối hợp tổ chức Tọa đàm hợp tác kinh tế, thương mại và logistics giữa Việt Nam – Trung Quốc (Trùng Khánh).
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Phó Thị trưởng TP Trùng Khánh Lưu Quế Bình, đại diện các bộ, ngành, địa phương và hơn 200 doanh nghiệp hai nước tham dự.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi, năm 2017 vừa qua đã chứng kiến bước phát triển tích cực trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên, Lãnh đạo cao nhất 2 Đảng, 2 nước đi thăm lẫn nhau trong cùng một năm. Quan hệ hợp tác giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực từ quốc phòng, an ninh, đối ngoại đến kinh tế, thương mại, du lịch, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương đạt nhiều thành quả nổi bật. Kim ngạch thương mại song phương vượt 100 tỷ USD. Người dân 2 nước qua lại đạt 10 triệu lượt người. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đứng thứ 8 trên toàn thế giới. Các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc đứng thứ 8 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Năm 2017 cũng chứng kiến nhiều thành tựu quan trọng của Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế tăng trưởng 6,8% năm 2017 và Quý I/2018 GDP tăng 7,38%, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nền kinh tế mở là cơ hội phát triển rất lớn của ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ rõ, thị trường dịch vụ logistics Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh (trung bình 20 – 25%/năm). Theo chỉ số Năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, năm 2016, Việt Nam xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Nhu cầu phục vụ quy mô xuất nhập khẩu và bán lẻ hàng hóa ngày càng lớn với khối lượng hàng hóa qua cảng biển dự kiến tăng lên đến 900 triệu – 1 tỷ tấn vào năm 2030 trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh mong muốn, thông qua tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu, đề xuất các biện pháp kết nối hợp tác kinh doanh, đầu tư, kết nối logistics, thủ tục thông quan, quá cảnh… nhằm khai thác tối đa tiềm năng hợp tác hai bên. Đây cũng chính là lý do Bộ Công Thương Việt Nam lựa chọn Trùng Khánh là địa phương đầu tiên đặt Văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc.
Về phía Trùng Khánh, đây là một trong những trung tâm đô thị kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, có vị trí quan trọng trong chiến lược “Vành đai và Con đường”, điểm khởi đầu của Tuyến đường sắt Trung Quốc – Châu Âu và Tuyến vận tải hàng hóa quốc tế hướng Nam Trung Quốc – ASEAN. Vừa qua, đồng chí Lưu Quế Bình, Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh đã có chuyến thăm Việt Nam rất thành công nhằm thúc đẩy tiềm năng, cơ hội hợp tác khai thác ưu thế về thời gian và giá thành của hình thức vận tải đường sắt và vận tải đa phương thức giữa Trùng Khánh với Việt Nam và ASEAN.
Tháng 4/2016, Trùng Khánh đã khai thông tuyến vận tải container đường sắt hướng Đông nối với Việt Nam, từ Trùng Khánh qua Bằng Tường (Quảng Tây) đến Hà Nội. Với chiều dài 1.400 km và thời gian vận chuyển giảm xuống còn 45 giờ trên toàn tuyến, hàng hóa đến và đi từ Hà Nội hoặc Trùng Khánh sẽ được vận chuyển nhanh chóng đến TP. Hồ Chí Minh rồi tỏa ra các nước ASEAN hoặc các tỉnh, thành phố của Trung Quốc trong khu vực tùy theo nhu cầu của DN. Nếu hợp tác, quản lý và khai thác tốt, tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực logistics giữa DN hai bên, cung cấp thêm một sự lựa chọn hiệu quả trong vận chuyển hàng hóa. Trong đó bao gồm các mặt hàng hoa quả nhiệt đới, nông sản, thủy hải sản XK giữa Việt Nam với các tỉnh/thành phố sâu trong nội địa Trung Quốc cũng như các nước Châu Âu, Tây Á và ngược lại.
Trong buổi hội đàm cuối tháng 3 vừa qua được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam và Trùng Khánh đã đạt được nhiều nhận thức chung về phương hướng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực logistics và khai thác tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Hà Nội – Trùng Khánh. Để triển khai những nhận thức chung đó, đoàn công tác của Bộ Công Thương, các Bộ ngành liên quan và hơn 30 DN Việt Nam đã có chuyến khảo sát, tìm hiểu thực tế thành công, tiếp thu nhiều thông tin, kinh nghiệm quý báu do các cơ quan quản lý phía Trùng Khánh cung cấp.
Buổi tọa đàm là hoạt động quan trọng nhất trong chuỗi các hoạt động khảo sát tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực logistics của đoàn Chính phủ và DN Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực, cụ thể, tạo ra sân chơi, mở ra cơ hội hợp tác trực tiếp giữa DN 2 bên. “Hy vọng rằng, DN 2 bên có mặt tại buổi tọa đàm này sẽ chủ động, sáng tạo, sớm biến những ý tưởng, cơ hội hợp tác thành các chương trình, dự án, hợp đồng cụ thể, góp phần đưa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa 2 bên lên tầm cao mới. Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để DN hai bên có thể triển khai hợp tác thuận lợi, đạt kết quả cao” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.
Kết thúc Tọa đàm, lãnh đạo hai bên đã chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực logistics giữa doanh nghiệp hai nước.
Có thể bạn quan tâm:
- Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển dịch vụ Logistics ở Việt Nam
- Phát triển nguồn nhân lực trong khu vực dịch vụ logistics Việt Nam
- Phần mềm quản lý vận tải XLogis
Bình luận