Friday, April 19, 2024
Home Tin tức Logistics Phát triển nguồn nhân lực trong khu vực dịch vụ logistics Việt...

Phát triển nguồn nhân lực trong khu vực dịch vụ logistics Việt Nam

  • Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh của Châu Á, nhưng dịch vụ logistics của Việt nam vẫn đang chập chững các bước khởi đầu với nhiều khó khăn. Nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong quá trình hòa nhập với kinh tế thế giới phải kể đến là các hiệp định kinh tế song phương và đa phương đã đem lại những sự thay đổi to lớn trong phát triển kinh tế và thương mại của Việt Nam, thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tạo động lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch vụ logistics thì Việt Nam mới đang chập chững các bước khởi đầu.
  • Các khó khăn khi phát triển khu vực dịch vụ logistics của Việt Nam phải kể đến là: Khó khăn về cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị phục vụ logistics; Khó khăn về chi phí logistics; Khó khăn về thời gian vận tải và các vấn đề liên quan đến thủ tục; Khó khăn liên quan đến vấn đề cạnh tranh trong khu vực dịch vụ logistics; Khó khăn do mạng logistics còn nghèo nàn và cuối cùng chính là khó khăn từ nguồn nhân lực phục vụ cho khu vực dịch vụ này. Chính vì vậy mà việc nghiên cứu các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực cho khu vực dịch vụ logistics của Việt Nam là cần thiết và cấp bách.

1.Khái quát về nguồn nhân lực trong khu vực dịch vụ logistics

  • Khu vực dịch vụ logistics luôn là một thành tố trong quản trị chuỗi cung ứng của thương mại quốc tế và ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong phát triển kinh tế quốc gia trong quá trình hội nhập với kinh tế toàn cầu.
  • Dịch vụ logistics trực tiếp liên quan đên các dịch vụ như dịch vụ xếp dỡ container, lưu kho và các dịch vụ phục vụ kho hàng, các dịch vụ đại lý gom hàng và giao nhận, quản trị thông tin và các dịch vụ hỗ trợ khác. Cho đến thời điểm hiện nay, khái niệm dịch vụ logistics đã được mở rộng hơn nhiều so với định nghĩa ban đầu của GATS, bao gồm thêm dịch vụ logistics gom hàng, dịch vụ phân tích thử nghiệm kỹ thuật, các dịch vụ chuyển phát nhanh, đại lý, dịch vụ thương mại bán sỉ và các dịch vụ bán lẻ. Ngoài ra còn có dịch vụ logistics không cơ bản gồm các dịch vụ về tin học, bao gói hàng, quản lý và tư vấn. Có thể thấy nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics là nguồn nhân lực làm việc trong tất cả công ty/ doanh nghiệp cung ứng các mảng dịch vụ kể trên.
  • Nguồn nhân lực trong dịch vụ logistics ở Việt Nam nằm trong hàng loạt các nhóm doanh nghiệp khác nhau như: Các công ty vận tải đường biển, bộ, sắt, thủy và hàng không;  Các công ty xếp dỡ, cung ứng dịch vụ kho bãi; Các công ty giao nhận; Các công ty cho thuê mua container; Các công ty cung ứng dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật; Các công ty kinh doanh dịch vụ bưu chính và dịch vụ chuyển phát nhanh,  vân vân…chứ không chỉ nằm riêng trong khối công ty vận tải giao nhận như thống kê của một số tài liệu đã xuất bản tại Việt Nam.
  • Tuy nhiên, cũng có một thực tế là hầu hết các công ty có đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam là các công ty giao nhận nên nhiều người đánh đồng quan điểm “Công ty cung ứng dịch vụ logistics = Công ty giao nhận” cũng là điều dễ hiểu.

2.Thực trạng nguồn nhân lực trong khu vực dịch vụ logistics Việt Nam

Trong những năm gẩn đây, mặc dù phát triển ồ ạt về số lượng nhưng các các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn là có quy mô hạ tầng và nhân lực ở mức nhỏ hoặc rất nhỏ. Ngoại trừ vài chục doanh nghiệp quốc doanh và cổ phần có quy mô tương đối lớn (từ 100-300 nhân viên), số còn lại trung bình từ 10-30 nhân viên, đặc biệt tồn tại các công ty chỉ có từ 5-10 nhân viên. Các công ty cung ứng dịch vụ logistics này có các trang thiết bị, phương tiện, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, các dịch vụ cung ứng chủ yếu chỉ là mua bán cước tàu biển, cước máy bay, đại lý khai quan và dịch vụ xe vận tải, một số khác có thực hiện dịch vụ kho vận nhưng không nhiều. Các hoạt động cung ứng dịch vụ được thực hiện thiếu đồng bộ, manh mún và quy mô nhỏ, mức độ công nghệ chưa theo kịp các nước đang phát triển khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hoặc Trung Quốc.

3.Điểm mạnh của nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics Việt Nam

  • Do xuất phát từ thực tiễn là thị trường dịch vụ logistics mới phát triển trong những năm gần đây nên nguồn nhân lực có điểm mạnh tuyết đối là nguồn nhân lực trẻ, năng động, ưa thích mạo hiểm và sẵn sàng chịu đựng thử thách cũng như rủi ro. Thị trường lao động trẻ mang lại tiềm năng nhân lực lớn nếu được đào tạo quy củ và bài bản.

  • Về mặt trình độ, phần lớn khối nhân viên văn phòng làm trong các công ty dịch vụ logistics đều tốt nghiệp Đại học, đây cũng là một thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực cho khối dịch vụ này.

4. Điểm yếu của nguồn nhân lực khu vực dịch vụ logistics Việt Nam
– Do phát triển nóng nên nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay trở nên thiếu hụt trầm trọng mặc dù đến nay vẫn chưa có thống kê chính xác về nguồn nhân lực phục vụ cho khối dịch vụ này.

  • Sự thiếu hụt của nguồn nhân lực là do Việt Nam thiếu các chương trình đào tạo về logistics mang tính quy mô và chính quy. Cách thức đào tạo chủ yếu được thực hiện thông qua các khóa học ngắn ngày tổ chức bởi các Viện nghiên cứu, các Trung tâm đào tạo Logistics hoặc các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài; hoặc do các công ty tự tổ chức đào tạo nhân lực cho mình.

  • Môn học logistics hoặc liên quan đến logistics tại các trường ĐH của Việt Nam có nội dung hạn, chủ yếu đào tạo nghiêng về vận tải biển và giao nhận đường biển, hoặc trong các trường đại học Kinh tế thì cũng chỉ học sơ lược về quản trị chuỗi cung ứng và quản trị vật tư trong chương trình quản trị sản xuất. Các nghiệp vụ logistics chưa được xây dựng thành môn học. Chương trình tương đối lạc hậu.

  • Tính thực tiễn của chương trình giảng dạy không cao, làm cho người học chưa thấy hết vai trò và sự đóng góp của dịch vụ logistics vào nền kinh tế. Các giảng viên phần lớn đều tự đọc tự nghiên cứu thông qua một số tài liệu ít ỏi trên thị trường nên chất lượng chuyên môn còn có những hạn chế nhất định.

  • Để đánh giá về đội ngũ nhân lực trong các công ty logistics cần chia khối doanh nghiệp này thành 3 nhóm chính gồm: Nhóm doanh nghiệp thuộc quốc doanh trước đây và đã cổ phần hóa gần đây (nhóm 1); Nhóm doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (nhóm 2) và cuối cùng là nhóm doanh nghiệp tư nhân (nhóm 3).
    a. Về đội ngũ cán bộ quản lý:

Nhóm 1:  Là nhóm có đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành tại các doanh nghiệp tương đối lớn về quy mô và có thâm niên trong ngành, chẳng hạn trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải, kho vận, đa số đạt trình độ đại học. tồn tại phong cách quản lý cũ, chưa chuyển biến kịp để thích ứng với môi trường mới, thích sử dụng kinh nghiệm hơn là áp dụng khoa học quản trị hiện đại.

Nhóm 2 : Phần lớn là các công ty mới thành lập có vốn đầu tư hoặc liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài nên đội ngũ cán bộ quản lý khá trẻ, năng động, có trình độ đại học và thường được các đối tác nước ngoài trực tiếp đào tạo nên trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cao. Tuy nhiên do quá trình tự đào tạo mang tính mảng khối và bổ sung nghiệp vụ nên thiếu cái nhìn tổng quan về cả chuỗi dịch vụ và lợi ích tổng thể của các bên tham gia.

Cuối cùng nhóm 3 : Là nhóm các công ty tư nhân hoặc công ty cổ phần mới thành lập gần đây, nhóm này cũng có đội ngũ cán bộ quản lý trẻ, có trình độ đại học, nhiều tham vọng nhưng kinh nghiệm kinh doanh quốc tế và trình độ quản lý lẫn nghiệp vụ còn thấp, thường tìm kiếm tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn.

b.Về đội ngũ nhân viên nghiệp vụ văn phòng: Là đội ngũ nhân viên chăm lo các tác nghiệp giao dịch khách hàng. Đội ngũ này phần lớn đều tốt nghiệp đại học, trong số đó đa số là từ các chuyên ngành gần với chuyên ngành logistics hoặc thậm chí không liên quan nên phải tự nâng cao trình độ nghiệp vụ trong quá trình làm việc.

c.Về đội ngũ công nhân lao động trực tiếp tại các công ty vận tải, kho bãi nhà xưởng: Đa số được đào tạo từ các trường nghề, công việc chủ yếu là bốc xếp, kiểm đếm ở các kho bãi, lái xe vận tải hoặc khai thác các thiết bị xếp dỡ tại các kho, bãi của cảng hoặc của các công ty. Mặc dù có được đào tạo nhưng kỹ năng làm việc chưa tốt, vẫn thiếu tác phong công nghiệp, tính kỷ luật lao động thấp so với nhân lực trực tiếp lao động ở một số các quốc gia đang phát triển khác.
d.Nguyên nhân cuối cùng nằm ở chính người lao động : Khi ngay từ khi lựa chọn ngành ngề đào tạo đã không hướng tới một công việc cụ thể nên thường thiếu các kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp; Chưa chủ động trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng và tiếp cận các công ty logistics khi còn đang là sinh viên mà đa số chỉ bắt đầu quá trình tìm việc 3-6 tháng trước khi tốt nghiệp; Thiếu sự gắn kết và chia sẻ kinh nghiệm giữa các sinh viên với lớp đàn anh đang làm việc tại các công ty dịch vụ logistics.

5.Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho khu vực dịch vụ logistics Việt Nam

Để phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics ở nước ta, cần triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần có một định hướng rõ ràng hơn cho sự phát triển của khu vực dịch vụ logistics. Trước hết cần xem xét đã hội tụ đủ các yếu tố để gọi khu vực dịch vụ logistics là một “ngành” độc lập hay chưa và liệu có nên phát triển thành một ngành độc lập hay không? Từ đó, có các định hướng thích hợp cho khu vực dịch vụ này trong đó có kế hoạch phát triển nguôn nhân lực; Bổ sung thêm các văn bản dưới luật nhằm hiện thực hóa khái niệm dịch vụ logistics trong Bộ Luật Thương mại.

Thứ haicần có sự hợp tác sâu sắc hơn giữa các bộ – ban – ngành có liên quan tới khu vực dịch vụ logistics để có thể phân định rõ khả năng và trách nhiệm mỗi bên trong việc phát triển khu vực dịch vụ logistics, trong đó có phát triển nguồn nhân lực logistics.

Thứ ba, cần tiếp tục phát huy vai trò của các chương trình đào tạo trung và ngắn hạn được thực hiện bởi các viện, trung tâm, hiệp hội và các công ty đào tạo. Động viên các tổ chức này có kế hoạch hợp tác đào tạo với các chuyên gia hoặc tổ chức nước ngoài tại các quốc gia có dịch vụ logistics phát triển mạnh và hiệu quả. Các khóa học ngắn hạn này nên tập trung vào các mảng nghiệp vụ hoặc tác nghiệp chuyên biệt phục vụ cho một nhiệm vụ cụ thể của công việc, hoặc đào tạo kiến thức tổng thể hoặc nâng cao cho các cán bộ quản lý cấp trung và cấp cao. Ngoài ra, các khóa học nghiệp vụ là các khóa có thể giúp học viên ứng dụng kiến thức ngay vào công việc đang đảm nhiệm cũng như giới thiệu tác phong làm việc có kỷ luật và tính hợp tác cao của logistics. Do vậy, các khóa học này có vai trò quan trọng trong quá trình bổ sung nhanh nguồn nhân lực cho khu vực dịch vụ logistics. Đáng nói là, các khóa học nâng cao giúp cán bộ quản lý có cái nhìn toàn diện về chuỗi dịch vụ mà doanh nghiệp mình đang/ hoặc mong muốn cung cấp, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp. Các hiệp hội có trách nhiệm tìm kiếm các nguồn kinh phí đào tạo thường xuyên, thu hút các đối tác nước ngoài tham gia đào tạo cho nhân viên của các công ty dịch vụ logistics Việt Nam nhằm đẩy nhanh số lượng nhân viên được đào tạo.

Thứ tưcác công ty, doanh nghiệp cần có kế hoạch nguồn lực cụ thể bắt đầu từ khâu xây dựng kế hoạch, cử người đi tham quan, học hỏi ở nước ngoài, có chính sách đãi ngộ tốt và xứng đáng với các nhân viên giỏi chuyên môn, kỹ thuật. Nên xây dựng kế hoạch tuyển dụng sớm và định kỳ nhằm tuyển dụng được người có năng lực (ví dụ nhận sinh viên năm cuối đúng chuyên ngành hoặc chuyên ngành gần vào thực tập tại công ty để có nhiều sự lựa chọn về nhân sự). Một vấn đề nữa là đào tạo và tái đào tạo nguồn lực hiện có, thu hút lao động có trình độ chuyên ngành liên quan, am tường ngoại ngữ, có kiến thức địa lý, ngoại thương, cập nhật thường xuyên kỹ thuật mới trong nghiệp vụ giao nhận vận tải quốc tế.

Thứ năm, muốn có nguồn nhân lực giỏi, các công ty dịch vụ logistics lớn cần có chương trình hỗ trợ sinh viên thực tập để hấp dẫn sinh viên vào công ty mình từ đó tăng cơ hội lựa chọn người giỏi. Tổ chức thuyết trình về thực tiễn hoạt động ngành hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới cho sinh viên để sinh viên có định hướng việc làm trước khi ra trường. Do vậy, các công ty nên liên kết với một số trường đại học có uy tín để tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng trình độ cũng như có quyền thuyết trình và quyền tuyển dụng tại các trường này. Muốn vậy các công ty cần xây dựng quỹ đào tạo tại trường, hỗ trợ chuyên môn cho các trường nếu muốn có sinh viên tốt nhất và được đào tạo bài bản nhất cho mình.

Thứ sáungười lao động cũng nên có định hướng công việc ngay từ khi đang trong quá trình đào tạo. Sinh viên cần năng động hơn nữa trong quá trình tìm kiếm và tiếp cận các công ty dịch vụ logistics nếu muốn làm việc trong khu vực dịch vụ này, sau đó cần tích cực học hỏi trau dồi nghiệp vụ và kỹ năng làm việc để có thể bắt kịp với công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Còn nhóm lao động trực tiếp cần được đào tạo không chỉ kỹ năng làm việc mà còn phải được đào tạo cả tinh thần, thái độ làm việc cũng như thái độ chấp hành kỷ luật lao động.

6.Kết luận
Thực hiện tốt các giải pháp có tính định hướng nói trên sẽ góp phần tăng cường xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics ở nước ta. Một nguồn nhân lực tốt, chất lượng sẽ là tiền đề cho sự phát triển và tăng cường mạnh mẽ của các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong điều kiện hội nhập, góp phần thúc đẩy khu vực dịch vụ logistics Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại để có thể vững bước phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam, khẳng định vị trí Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Có thể bạn quan tâm:

Bình luận

Most Popular

Vì sao Viconship “chốt” mua cảng Nam Hải Đình Vũ?

Việc ký kết hợp đồng chính thức được thực hiện trong tháng 4 này. Toàn bộ quá trình bàn giao dự kiến...

Khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giữa năm 2023

Sở GTVT tỉnh An Giang đã hoàn tất các thủ tục chuyển Bộ GT Vận Tải thẩm định thiết kế xây...

Tiếp tục đề xuất lùi thời điểm áp dụng ca bin điện tử trong đào tạo giấy phép lái xe

Cục Đường bộ Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lùi thời điểm bắt buộc các...

Dự kiến chi phí hơn 3.900 tỷ đồng triển khai dự án đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang, Bạc Liêu

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu...

Recent Comments